N E Z T W O R K
img

Muốn được hiểu nhưng lười bộc lộ mình

Nếu tôi hỏi mọi người họ có tin rằng mình là người tốt, tử tế, sống có giá trị, có năng lực và thành tựu nhất định không thì hầu hết mọi người đều trả lời là có. Nhưng nếu hỏi tất cả những người xung quanh

Muốn được hiểu nhưng lười bộc lộ mình


Nếu tôi hỏi mọi người họ có tin rằng mình là người tốt, tử tế, sống có giá trị, có năng lực và thành tựu nhất định không thì hầu hết mọi người đều trả lời là có. Nhưng nếu hỏi tất cả những người xung quanh (đồng nghiệp, bạn bè, đối tác, mối quan hệ xã hội) có nghĩ về họ như vậy không thì câu trả lời là: chưa chắc.


Trong công việc cái khó nhất là làm cho người khác hiểu mình. Những câu như: sếp không hiểu em, đồng nghiệp hiểu sai ý mình, đối tác hiểu lầm em, tôi nghe cũng nhiều rồi.


Con người là động vật xã hội, ta không thể sống mà thiếu tương tác, hợp tác với người khác. Và để người khác hiểu mình không có cách nào khác là bạn phải bộc bộ bản thân nhiều hơn. Người khác cần hiểu về: ý định của bạn, giá trị bạn theo đuổi, chuyên môn và thành tích của bạn để có tin tưởng. Có tin thì mới hợp tác hay làm việc được.


Quy trình giao tiếp giữa người với người nhìn chung có những bước sau:


Thông điệp từ người gửi - Mã hóa - Kênh giao tiếp - Mã hóa - Thông điệp tới người nhận


Trong đó có 4 kênh giao tiếp chính


- Giao tiếp bằng ngôn ngữ nói

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ hình ảnh

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ viết


Trong 4 kênh giao tiếp này thì ngôn ngữ viết là kênh hiệu quả nhất. Bởi vì:


✅ Ngôn ngữ không lời và hình ảnh thì cách mã hóa và giải mã có sự sai số, chênh lệch nhiều nhất. Bởi mỗi người có cách mã hóa và giải mã ngôn ngữ khác nhau. Cùng một hành động có người thấy đó là dễ thương nhưng có người lại thấy là phản cảm, quá lố. Hai kênh này không hiệu quả nếu ta muốn thông điệp được truyền đi nguyên vẹn, không sai lệch từ đầu bạn sang đầu người đối diện.


✅ Ngôn ngữ nói thì gặp rào cản về không gian và thời gian. Không phải ngày nào bạn cũng có thể nói ra rả về bản thân, không phải lúc nào cũng có không gian phù hợp để nói về mình. Bạn có thể nói để cho một người hiểu mình, nhưng ngày nào cũng lặp lại điều này với những người mới thì rất là mệt. Bạn có thể nói cho toàn hội trường hiểu bạn, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội như vậy để nói trước đám đông.


✅ Ngôn ngữ viết là kênh giao tiếp phù hợp với nhiều nền tảng và tình huống nhất. Bạn có thể viết để bộc lộ mình trên LinkedIn, Facebook, viết email và blog cá nhân, viết tin nhắn để giải thích mình. Bạn có thể viết mỗi ngày, viết mọi nơi thậm chí mỗi ngày đăng 2-3 bài viết cũng là bình thường, nhưng mỗi ngày livestream nói về mình 2-3 lần thì là quá lố. Bây giờ ai cũng có mạng xã hội trung bình có vài nghìn kết nối. Mỗi ngày viết 1 bài ngắn thôi bạn cũng đã thành công trong việc bộc lộ bản thân mình tới vài nghìn người rồi.


Để người khác có thể hiểu mình hơn thì cách duy nhất là nỗ lực bộc lộ mình nhiều hơn, giải thích mình nhiều hơn nữa. Và trong tất cả những cách bộc lộ mình thì viết là cách hiệu quả nhất.


Tôi cho rằng chúng ta không nên sợ nói quá nhiều về mình mà nên sợ mình nói quá ít về mình khiến không đủ người biết, hiểu để mà kết nối với hợp tác.

Bình luận